14 Th9 Vùng núi giấu bí mật của hàng triệu năm trước
Từng là mỏ vàng, ngày nay Yukon được ví như ”kho báu” của các nhà địa chất học vì lưu giữ trầm tích của hàng triệu năm trước.
Nói tới Yukon, người ta nhớ đến ”Cơn sốt vàng Klondike” khi hàng trăm nghìn phụ nữ và đàn ông đổ tới những ngọn núi ở Yukon, Canada vào cuối thế kỷ 19 để tìm vận may.
Ngày nay, người ta vẫn tới Yukon nhưng với nhiều lý do khác so với cách đây 100 năm. Nhiều người tới vì lịch sử, họ tìm về những câu chuyện liên quan tới cơn sốt vàng. Số khác tới tham quan các vùng núi, khám phá thế giới tự nhiên và các loài động vật hoang dã như gấu, nai sừng tấm, linh miêu, dê núi, cáo, bò xạ hương, sóc đất marmot…
Một nhóm khách khác tới Yukon để tìm vận may nhưng là một loại ”vàng” hoàn toàn khác. Đó là các nhà địa chất học đi tìm trầm tích cặn có chứa bằng chứng về thuyết ”Quả cầu tuyết Trái Đất”. Ví dụ như khi khí hậu trái đất từng thay đổi và bề mặt bị đóng băng vào khoảng 650 đến 750 triệu năm trước.
Vào tháng 7/2014, Vivien Cumming, phóng viên của BBC cùng một vài nhà địa chất học của hai đại học Harvard và McGill đã tới Yukon để săn tìm bằng chứng mới. Những bằng chứng đó có thể giúp họ hoàn thành bức tranh về giai đoạn thay đổi khí hậu kỳ lạ này.
Điểm đến của họ không hề dễ tiếp cận. Những dãy núi trải rộng khiến cho Yukon thành một nơi hoang dã, không người ở, và rất khó di chuyển bằng đường bộ. Nhiều núi ở đây thậm chí không có tên và nhiều núi còn chưa từng có người đặt chân tới.
Cả đoàn xác định đích đến bằng cách nghiên cứu các bức ảnh chụp từ trên cao và bản đồ địa chất, nhưng với vùng đất chưa từng có người khám phá này thì phương pháp trên rất khó chính xác. Đoàn lên kế hoạch dựng trại trên dãy núi Wernecke ở trung tâm Yukon, phía bắc ngôi làng nhỏ Mayo. Nơi đây là phần phía bắc hệ thống núi Cordillera, chuỗi các núi trải dài từ Alaska tới phía nam Mexico.
Đoạn đầu của chuyến đi yêu cầu cả đoàn phải di chuyển bằng chiếc trực thăng từ đông bắc Mayo tới Rackla, một hầm mỏ lộ thiên cũ ở vùng hoang vu phía đông Yukon. Đoàn được phi công đưa tới chỗ cắm trại, tiến vào vùng núi 65 km.
Khi tới gần hơn vị trí dự tính, mây cuộn tới dày hơn. Phi công phải đổi hướng để bay qua vùng mây dày và vòng quanh những đỉnh núi. Dường như anh không nao núng nhưng thành viên đoàn địa chất lại rất lo sợ khi bay qua các đỉnh núi đá cao và đột ngột gặp mây phủ. Sau khi tìm được chỗ bằng phẳng để hạ cánh, phi công đã đưa đoàn xuống đất an toàn.
Khi tiếng trực thăng xa dần, phóng viên Vivien nhận ra mọi người đã được thời tiết ”thương tình”, vì nơi họ đến có địa hình và thiên nhiên hoang dã rất khó để đội cứu hộ tiếp cận, trừ phi thời tiết thuận lợi cho trực thăng cất cánh.
Đây là nơi ở của đoàn trong vài tuần khám phá Yukon. Họ đặt tên cho trại là Mordor bởi những đỉnh núi đen bao quanh nơi cắm trại. Trại được dựng trên một vùng đất cao cách xa vùng cây gỗ sống được tới hơn 2.000 m. Ở đây có rất nhiều vùng đất đá để quan sát và không bị cây cối che phủ. Những con gấu cũng hiếm tới đây vì vùng núi quá cao không có thức ăn cho chúng.
Mọi người đã dành vài ngày để di chuyển khoảng vài trăm mét xuống phía các thung lũng. Vào một hôm họ đi bộ quay lại chỗ cắm trại thì thấy một bóng màu nâu lớn và nghe cả tiếng kêu hoảng loạn của những con sóc đất marmot. Lúc đó cả đoàn tìm cách trốn thoát, phải thảo luận tới nửa tiếng và trong khi đó con vật không hề di chuyển.
Cuối cùng mọi người dũng cảm tiếng gần hơn và phát hiện ra thực chất bóng lớn đó không phải gấu, mà là một tảng đá nâu lớn. Bữa tối hôm đó đã rất vui vẻ và nhiều tiếng cười vì nhầm lẫn này.
Cũng vào ngày gặp sự cố đó mà đoàn tìm thấy bằng chứng đầu tiên của thuyết ”Quả cầu tuyết Trái Đất”. Các tầng địa chất hình thành dưới đáy biển khi cát và đá tích tụ nhưng khi trái đất bị phủ bởi băng đá các lớp mỏng như trầm tích ít bị lắng đọng. Trong khi đó các tảng đá lớn hơn nằm trên bề mặt của băng, nơi chúng được mang theo khi băng di chuyển. Thời điểm băng tan chảy, những tảng đá này rơi xuống đáy đại dương và làm khuấy động những lớp đã hình thành trước khi bị lắng đọng bởi trầm tích mới.
Trong thung lũng xa xôi này, những tảng đá lớn nằm trong lớp trầm tích tinh thể bị làm nhiễu loạn bởi những tảng đá nặng hơn rơi xuống trầm tích đáy biển. Đây là hiện tượng địa chất hiếm hoi và một lý thuyết giúp chứng minh thuyết Quả cầu tuyết Trái Đất.
Phát hiện của đoàn địa chất ở Yukon không phải là một kho báu theo cách con người tìm kiếm trước đây trong ”Cơn sốt vàng Klondike”. Họ trở về nhà sau một tháng với những xô đầy đá không hề có giá trị khi quy đổi ra tiền tệ. Tuy nhiên với những nhà khoa học tìm kiếm manh mối về quá khứ bí ẩn thì chúng có giá trị như vàng.
Theo BBC
Hương Chi