NGƯỜI SÀI GÒN CÚNG ÔNG TÁO KHÔNG CÁ CHÉP

NGƯỜI SÀI GÒN CÚNG ÔNG TÁO KHÔNG CÁ CHÉP

Mâm lễ cúng ông Táo của người Sài Gòn thường rất đơn giản, không có đồ mặn và cá chép như phong tục của các miền khác.

Sáng 21 tháng chạp, chị Lê Thị Mai Anh (44 tuổi) ở quận 9 ra chợ chọn mua một bộ vàng mã “cò bay, ngựa chạy” và mấy gói kẹo thèo lèo (kẹo đậu phộng và kẹo mè đen) để chuẩn bị cho lễ cũng ông Táo năm nay. “Đây là những loại vật phẩm cúng ông Táo theo kiểu truyền thống của người miền nam”, chị Mai Anh nói. Mặc dù tối 23 tháng chạp mới cúng nhưng chị thường mua sẵn các vật phẩm từ trước, còn trái cây và hoa thì vẫn phải đợi đến đúng ngày.

Chị Lê Thị Mai Anh mua sẵn một số vật phẩm cúng ông Táo theo kiểu truyền thống của người miền Nam gồm bộ vàng mã cò bay, ngựa chạy và kèo thèo lèo. Ảnh: Phan Diệp.

Chị Lê Thị Mai Anh mua sẵn một số vật phẩm cúng ông Táo theo kiểu truyền thống của người miền Nam gồm bộ vàng mã “cò bay, ngựa chạy” và kèo thèo lèo. Ảnh: Phan Diệp.

Bộ vàng mã “cò bay, ngựa chạy” thường được in trên giấy với nhiều mẫu mã đẹp mắt, không có khung tre và gồm 2 phần khác nhau, một phần dùng trong lễ cúng tiễn và một phần dùng trong lễ rước ông Táo trở về gia chủ vào ngày 30 Tết. “Người miền nam quan niệm cò và ngựa là hai phương tiện đưa ông Táo về trời nhanh hơn”, chị Mai Anh nói và cho biết thêm, vài năm nay trên mâm cúng của gia đình chị có thêm một cái bánh bông lan tròn. “Đây không phải lễ vật truyền thống, mọi người học theo nhau nên trở nên phổ biến thôi. Có năm cúng bánh bông lan, tôi thấy gia đình làm ăn khá nên cũng theo luôn. Chiều nay tôi phải đi mua bánh vì có năm phải xếp hàng rất lâu mới mua được”, Mai Anh nói.

Người miền nam thường tiễn ông Táo về trời vào buổi tối nhưng chị Mai Anh tranh thủ cúng sớm trước buổi chiều vì cho răng “đưa sớm thì ông Táo sẽ về trời báo cáo Ngọc Hoàng sớm hơn”.

Sáng 16/1 (22 tháng Chạp), nhiều người đã mua sắn đồ cúng lễ ông Táo về trời. Ảnh: Phan Diệp.

Sáng 16/1 (22 tháng Chạp), nhiều người đã mua sắn đồ cúng lễ ông Táo về trời. Ảnh: Phan Diệp.

Chị Phương ở quận 1 cho biết, hơn 40 năm nay, vật phẩm cúng ông Táo của gia đình chị chỉ gồm bộ vàng mã, trái cây, hoa và kẹo thèo lèo, không có thêm bất cứ một loại gì khác. Chiều 22 tháng chạp, sau khi đi làm về, chị lau dọn trang thờ, bài vị ông Táo sạch sẽ. Vật phẩm cúng cũng được mua trong ngày, chị sợ ngày mai các cửa hàng đông đúc, khó lựa được đồ ưng ý. Tối 23, lễ tiễn ông Táo diễn ra sau bữa cơm gia đình và thường sau 20h. “Khi đó gia đình không còn đụng đến bếp núc nữa ông Táo mới về trời được”, chị Phương giải thích.

Ở những gia đình gốc gác Sài Gòn như chị Mai Anh và chị Phương, gia chủ không thay mới bài vị, cũng không có tục thay chân nhang như người miền bắc. Đến ngày 30 Tết, lễ rước ông Táo được thực hiện chung với lễ mời ông bà về ăn Tết.

Tuy nhiên, phong tục của người Sài Gòn cũng đang dần dần thay đổi bởi người Bắc vào thành phố ngày càng đông. Sáng nay, chị Thủy ở quận Thủ Đức tranh thủ đi chợ sớm, bởi tối nay chị sẽ làm lễ cúng tiễn ông Táo. Vào Sài Gòn hơn 20 năm nên mâm cúng của gia đình chị đã thay đổi, đơn giản hơn theo kiểu người miền nam. Tuy nhiên, chị vẫn giữ quan niệm của người Bắc là phải cúng ông Táo trước trưa ngày 23 bởi sau buổi trưa, ông Táo đã về trời. “Hơn nữa, cúng sớm để ông đi khỏi tắc đường”, chị Thủy nói vui. Đặc biệt, trong mâm cúng của gia đình chị Thủy vẫn có ba con cá chép cỡ vừa.

Cá chép đỏ vẫn được bày bán để phục vụ người gốc Bắc. Ảnh: Phan Diệp.

Cá chép đỏ vẫn được bày bán để phục vụ người gốc Bắc. Ảnh: Phan Diệp.

Chủ một sạp cá nhỏ tại chợ Long Trường, quận 9 cho biết, trong các ngày 22 và 23 tháng chạp, họ sẽ bán thêm cá chép mua từ những tiệm cá cảnh. Trước đây, việc này chủ yếu để phục vụ người gốc Bắc. Sau nhiều năm thấy có cả người miền Nam cũng mua nhưng không phải để cúng ông Táo mà để phóng sinh.

Diệp Phan (VNExpress)