26 Th7 Những tu viện Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới
Nằm đơn độc trên đỉnh núi hay cheo leo trên vách đá, những tu viện có tuổi đời hàng nghìn năm ghi dấu ấn của nhiều sự kiện thăng trầm trong lịch sử.
Nằm chênh vênh trên lưng chừng núi ở độ cao 75 m, tu viện treo (Hanging Monastery) là một trong những điểm tham quan ấn tượng nhất Trung Quốc, với tổ hợp 40 phòng nối với nhau bằng hành lang giữa không trung. Thực chất tu viện được xây lên với phần lưng dính vào vách đá từ thế kỷ thứ 5 và cho đến nay đã hơn 1500 tuổi.
Tu viện Taktsang là một trong những nơi linh thiêng nhất ở Bhutan, còn được biết đến với tên gọi Tiger’s Nest (Tu viện Hang Cọp). Tọa lạc trên vách núi đá cao 900 m, Taktsang được các tín đồ Phật giáo và người dân Bhutan tôn kính bởi nó gắn liền với quá trình hành đạo của ngài Padmasambhava, người khai sinh ra Phật giáo và là vị thần bảo hộ của quốc gia này.
Được xây dựng trên một ngọn núi lửa đã tắt, Taung Kalat là điểm đến tâm linh đặc trưng nhất của Myanmar, tôn thờ 37 vị thần và những câu chuyện bi tráng về con đường thánh thần. Để lên được đến đỉnh, du khách phải vượt qua 777 bậc thang và sau đó lặng người đi bởi vẻ đẹp hùng vĩ bao quanh.
Nằm giữa hai con sông nổi tiếng Pho Chhu và Mo Chhu, Punakha Dzong mang hình dáng một pháo đài cổ và là cung điện Hoàng gia Bhutan cho đến giữa thế kỷ 20. Punakha Dzong phục vụ nhiều mục đích, vừa bảo tồn tín ngưỡng cho khu vực, là nơi ở của tu sĩ, vừa nắm giữ vai trò quản lý cho Hoàng gia, đồng thời lưu giữ nhiều di vật quý giá từ các đời vua ngày trước.
Thikse là tu viện Phật giáo Tây Tạng có vẻ ngoài tương đồng với Cung điện Potala ở Lhasa. Tu viện nằm ở độ cao 3.600 m trong thung lũng Indus ở Ấn Độ. Một trong những điểm chính của Thikse là chùa Di Lặc được xây dựng nhằm kỳ niệm chuyến thăm của Đạt lai Lạt ma thứ 14 tới tu viện năm 1970.
Key Gompa là tu viện Phật giáo Tây Tạng 1000 năm tuổi nằm trên đỉnh ngọn đồi ở độ cao 4.166 m trong thung lung Spiti. Key Gompa có một bề dày lịch sử đầy thăng trầm khi không ít lần bị tàn phá bởi quân đội Mông Cổ, hỏa hoạn và động đất. Chính vì thế, sau nhiều lần tôn tạo, công trình kiến trúc ngày nay trông giống như một pháo đài phòng thủ hơn là tu viện.
Tu viện Ganden là một trong những đại tu viện Phật giáo đầu tiên và lớn nhất ở Tây Tạng, cách Lhasa 45 km, trên độ cao 4.300 m và khá tách biệt với bên ngoài. Trong những năm đầu thế kỷ 20, số lượng nhà sư ở đây là 6.000 người. Tuy nhiên, sau sự kiện tu viện bị Hồng vệ binh phá hủy và xác ướp của Tsongkhapa, người sáng lập ra tu viện bị thiêu cháy thì Ganden hiện chỉ còn lại 170 tăng ni Phật tử.
Tu viện Yumbulagang là tòa nhà đầu tiên được xây dựng ở Tây Tạng, còn được biết tới với tên gọi “Cung điện mẫu tử”. Theo truyền thuyết, ban đầu Yumbulagang dành cho Hoàng đế Tây Tạng, sau đó trở thành cung điện mùa hè của Hoàng tử Gampo và Công chúa Wencheng. Đến thời Đạt lai Lạt ma thứ 5, cung điện trở thành tu viện của môn phái Old-Yellow Hat Sect.
Ảnh: Pinterest
(theo VNE)