Tiệm bánh ‘tiên tri’ ở Nhật Bản

Tiệm bánh ‘tiên tri’ ở Nhật Bản

Khi chọn một chiếc bánh trong tiệm nhỏ ở Kyoto, thực khách không thể biết mẩu giấy kẹp trong đó viết nội dung gì.

Trên con đường dẫn đến cổng đền Fushimi Inari ở Kyoto có đủ nhà hàng và quán ăn đường phố. Tiệm bánh Hougyokudo của anh Takeshi Matsuhisa nép mình trong khu phố sầm uất. Bên trong tiệm, anh Takeshi Matsuhisa điều khiển hơn một chục khuôn sắt với tay cầm dài và mỏng. Anh mở khuôn lấy ra miếng bánh màu nâu, sau đó khéo léo gập làm đôi, ấn một mẩu giấy vào trong rồi gập thêm lần nữa. Bánh sau khi hoàn thành có màu nâu vàng óng, hình dáng khiến nhiều người liên tưởng đến loại bánh tráng miệng trong các nhà hàng Trung Quốc ở Mỹ: bánh may mắn.

Thợ làm bánh tại tiệm Houkyokudo ở Kyoto đang đổ bột vào khuôn kata. Ảnh:Selena Hoy

Thợ làm bánh tại tiệm Houkyokudo đang đổ bột vào khuôn. Ảnh: Selena Hoy.

Bánh may mắn ở Mỹ được cho là sáng tạo của người nhập cư đến bang California. Trên thực tế, loại bánh này có nguồn gốc từ Nhật Bản, nơi mà những thợ làm bánh như anh Matsuhisa vẫn làm theo kiểu truyền thống. Nó được biết đến với tên gọi tsujiura senbei và omikuji senbei, từ thời Edo.

Phong tục rút quẻ bói vận mệnh tương lai ở đền, chùa Nhật Bản đã tồn tại khoảng 1.000 năm. Người ta buộc những quẻ bói đó lên cây trên lối ra. Tsujiura là hình thức bói toán dựa trên một số quy ước để diễn giải và đưa ra suy đoán về tương lai, đặc biệt là ở những nơi linh thiêng. Trong thời đại Edo, bánh “tiên tri” đã trở thành một hình thức giải trí dân túy và thường được bán trên góc phố hay trong các quán trà.

Các tài liệu lịch sử nói về bánh “tiên tri” đã có từ hàng thế kỷ trước. Một trong số những tác phẩm sớm nhất mô tả về bánh là “Cỏ non mùa xuân” của Tamenaga Shunsui.

Bản khắc gỗ năm 1878 mô tả một người đàn ông tên Kinnosuke đang làm bánh tsujiura senbei giống cách các thợ làm bánh ở Kyoto ngày nay vẫn làm theo. Ảnh: Public Domain

Bản khắc gỗ năm 1878 mô tả một người đàn ông tên Kinnosuke đang làm bánh tsujiura senbei giống cách các thợ làm bánh ở Kyoto ngày nay vẫn làm theo. Ảnh: Public Domain.

Các tài liệu đều mô tả đây là loại bánh nặn theo dạng hình tam giác, vỏ ngoài phết mật mía, giòn và có vị như kẹo gừng. Nội dung của mảnh giấy kẹp trong bánh thường là những câu châm ngôn như: “Sự quyết tâm sẽ giúp ta vượt qua khó khăn. Vậy tại sao chúng ta không đoàn kết lại với nhau?”.

Dòng người nhập cư vào Mỹ giữa thế kỷ XIX bởi “cơn sốt vàng California” đem theo bánh “tiên tri” vào các khu vực sống của người Trung Quốc và Nhật Bản. Vào những năm 1870, ông Makoto Hagiwara đến Mỹ và bắt đầu công việc kinh doanh một quán trà cạnh Công viên Cổng Vàng. Những mẩu giấy trong bánh lúc này không phải là lời tiên tri, mà là lời cảm ơn và chúc may mắn. Ở Mỹ, người ta gọi đây là bánh quy may mắn.

Sau này, bánh được làm cho phù hợp với khẩu vị của người phương Tây và dần nổi tiếng hơn. Các thợ làm bánh người Nhật cũng cung cấp bánh cho cả các nhà hàng của người Trung Quốc. Từ sau Thế chiến thứ II, ông Hagiwara không thể làm chủ việc kinh doanh vì bị bắt giam, những nhân viên Trung Quốc lên quản lý và làm ăn phát đạt. Họ cũng góp phần đưa bánh quy may mắn lan ra toàn nước Mỹ.

Ngày nay, chỉ còn một số ít tiệm bánh còn giữ cách làm bánh truyền thống gìn giữ qua hàng thế hệ tại Nhật. Cùng với tiệm Hougyokudo và Matsuya, Souhonke Inariya cũng là một tiệm bánh gia truyền nổi tiếng và được nhiều tờ báo quốc tế ca ngợi.

Những bài báo nhắc đến tiệm bánh Souhonke Inariya được cẩn thận đóng khung và treo trên tường của tiệm. Ảnh: Courtesy of Gary Ono

Những bài báo nhắc đến tiệm bánh Souhonke Inariya được cẩn thận đóng khung và treo trên tường của tiệm. Ảnh: Courtesy of Gary Ono.

Kể từ khi nguồn gốc của bánh may mắn được nhiều người biết đến, du khách đã tìm đến tận các cửa hàng truyền thống để được thưởng thức vị bánh nguyên gốc. Dù bánh không được phục vụ trong các nhà hàng và rất khó tìm, nhiều người vẫn sẵn sàng đi xa một chút để mua về nhà và thưởng thức cùng với gia đình.

Trang Anh (Theo VNExpress)