Hơn 1.000 hiện vật gốm Óc Eo của 17 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ lần đầu tiên được trưng bày tại tỉnh An Giang kể từ ngày 29/9.
Ngày 29/9, triển lãm “Gốm Óc Eo – nghệ thuật đặc sắc Phù Nam” vừa mở cửa tại huyện Thoại Sơn, An Giang. Triển lãm trưng bày hơn 1.000 hiện vật gốm cổ của 17 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ.
Triển lãm diễn ra trong không gian rộng 400 m2, tập hợp nhiều hiện vật gốc như tượng, phù điêu, bình gốm, ly gốm, diềm ngói, gạch trang trí, vòi ấm… thuộc nền văn hóa Óc Eo – Vương quốc Phù Nam cổ. Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII.
Bức tượng hình con bò dùng trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, có nguồn gốc từ Kiên Giang trưng bày tại triển lãm.
Mảnh gốm đắp nổi hình thiếu nữ ngồi chơi đàn, bên cạnh một người đánh xập xõa. Theo các nhà nghiên cứu, hiện vật này cho thấy, thi ca và âm nhạc cũng là loại hình nghệ thuật được ưa chuộng trong đời sống văn hóa của cư dân Phù Nam.
Bàn xoa, một dụng cụ làm gốm cổ xưa của người Phù Nam.
Những đồ dùng sinh hoạt bằng gốm với thiết kế tinh xảo.
Đồ trang sức bằng gốm của người Phù Nam.
Đồ đựng hình rùa xuất xứ từ Bảo tàng lịch sử TP HCM giới thiệu trong triển lãm.
Phù điêu tượng Nữ thần của văn hóa Óc Eo.
Chóp ngói bằng đất nung xuất xứ từ An Giang và Bạc Liêu.
Một góc triển lãm gốm cổ tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo.
Theo ban tổ chức, triển lãm sẽ mở cửa miễn phí cho du khách và người dân vào tham quan các ngày trong tuần từ nay đến ngày 30/10.