27 Th8 Cò, cồng cộc tung cánh ở Tràm Chim mùa nước nổi
Vài chiếc thuyền máy đi sâu vào rừng khiến đàn chim đậu trên cành tung cánh bay lên tạo thành bức tranh sống động ở vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp.
Vườn quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 7.000 ha giữ vai trò quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới.
Vì miền tây đang vào mùa nước nổi nên các đàn chim đã lần lượt di trú, chỉ còn một số ở lại thám thính để tìm bãi ăn, nơi nghỉ và môi trường tốt để gọi đàn về. Vào mùa xuân, các đàn chim sẽ trở về đây để tìm kiếm thức ăn.
Khi những chiếc thuyền máy tiến sâu vào rừng tràm, những con chim nghe âm thanh bị động sẽ tung cánh bay lên cao.
Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp, ban quản lý vườn quốc gia Tràm Chim, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và công ty Coca-Cola đã phối hợp triển khai dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng” tại Tràm Chim với tổng đầu tư gần 1,2 triệu USD.
Dự án giúp bảo vệ các loài chim quý hiếm, cải thiện việc quản lý thủy văn, điều chỉnh mực nước, phát triển thủy sản và phục hồi thảm thực vật.
Chim đậu trên các cành cây rất an nhiên. Nếu có dịp ngồi trên thuyền chầm chậm quan sát, bạn sẽ thấy những tổ chim được “xây” ở khắp nơi. Theo thống kê từ WWF, gần đây có khoảng 12.000 cò nhạn, hơn 10.000 con điên điển, trên 1.500 con cồng cộc và 6.000 cò trắng đến sinh sống, sinh sản ở Tràm Chim.
Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp dự kiến sẽ trở thành tuyến điểm du lịch đặc biệt trong mùa nước nổi. Năm 2014, có hơn 60.000 lượt khách tham quan Tràm Chim, tăng gấp 4 lần so với năm 2013. Trên 200 hộ dân sinh sống quanh Tràm Chim cũng được tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý mùa nước nổi, trung bình thêm khoảng 1.460.000 đồng/ tháng mỗi hộ dân.
Dự kiến từ 25 đến 27/9, ngày hội du lịch Đồng Tháp sẽ diễn ra ở vườn quốc gia này với chủ đề “Tràm chim mùa nước nổi”.
Ông Hoàng Quốc Việt, điều phối dự án của WWF cho biết: “Dự án bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được triển khai thuận lợi và đạt kết quả như mong đợi. Hy vọng việc quản lý và bảo tồn Tràm Chim tiếp tục được duy trì để giữ vững danh hiệu Ramsar và trở thành bài học kinh nghiệm cho các vùng ngập nước khác ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Về lý do chọn vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn, đầu tư, ông Nguyễn Khoa Mỹ, giám đốc truyền thông và đối ngoại của một hãng nước giải khát chia sẻ: “Ở Việt Nam có rất nhiều rừng quốc gia, nhưng đây là vùng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi biến đổi khí hậu vì nằm ngay lưu vực sông Me Kong. Do đó việc theo đuổi dự án này giúp bảo tồn môi trường sinh thái, trả lại hiện trạng tự nhiên tốt nhất để người dân và các động vật quý hiếm quay trở lại sinh sống”.