Gà hấp lá trúc – hương vị mộc mạc quê nhà An Giang

Miền đất An Giang không chỉ gợi du khách nhớ đến các đặc sản lạ tai như gỏi sầu đâu, tung lò mò… mà còn làm xao xuyến bao thực khách bởi món ăn đậm chất thôn quê như “gà hấp lá trúc”.

Một lần về với An Giang, du khách không chỉ được thưởng ngoạn danh thắng núi non hùng vĩ mà còn được chiêu đãi món ngon đặc sản đậm chất hồn quê là gà hấp lá trúc.

Trúc là một loại cây mọc hoang đặc trưng của vùng Thất Sơn, Bảy Núi, An Giang. Chúng có nhiều nhất ở hai huyện miền núi giáp Campuchia là Tịnh Biên và Tri Tôn. Cây trúc lớn bằng cây chanh, lá có vị the, cay nồng và gắt hơn lá chanh, mùi thơm đặc biệt. Trái trúc có vỏ xù xì hơi giống chanh, được vắt lấy nước để tạo gia vị cho các món ăn.

Đặc biệt, từ bao đời nay, cây trúc ở An Giang không chỉ góp phần làm nên hương vị độc đáo cho các món ăn, mà còn tạo nên một thương hiệu ẩm thực, nét đặc trưng vốn có để thu hút và phát triển du lịch.

1-8143-1438574093.jpg

Vì mùi thơm độc đáo của lá trúc, các đầu bếp tài ba đã sử dụng chúng để những món ăn trở thành sản vùng miền. Món gà hấp lá trúc được xem là “tuyệt chiêu dụ khách” của một số quán ăn, nhà hàng ở miền đất An Giang.

Do mọc hoang ở rừng núi và khai thác nhiều để chế biến món ăn, hiện nay, cây trúc trở nên quý hiếm và chỉ được tìm thấy ở một số ít trên các phum sóc của các cộng đồng người dân tộc. Người ta phải băng rừng, leo núi vất vả mới có thể săn tìm những chiếc lá trúc xanh còn nguyên vẹn.

Để làm món gà hấp lá trúc thơm ngon, trước tiên phải chọn lựa gà cho kỹ lưỡng. Tốt nhất là gà ta, nặng khoảng 800g – 1kg. Gà làm sạch, dùng gừng chà lên mình để khử bớt mùi tanh, rửa sạch và để cho ráo nước. Ướp gà với tỏi bằm, tiêu xay nhuyễn, hạt nêm và một ít rượu trắng.

2-6020-1438574093.jpg

Gà hấp lá trúc không chỉ là đặc sản ẩm thực mà còn là thương hiệu du lịch đất An Giang.

Ngâm nấm mèo, nấm hương nở đều rồi rửa sạch, thái rối. Hành lá để nguyên cây, bún tàu ngâm mềm, xắt khúc dài. Trộn nấm và bún lại với nhau, thêm một ít hạt nêm, đem phần trộn này cùng với hành lá nhét vào bụng gà rồi dùng chỉ may lại.

Trước khi đem gà đi hấp, hãy xếp một ít lá trúc đã rửa sạch dưới đáy tô rồi đặt gà lên trên. Đậy nắp cho kín, hấp khoảng 30 – 40 phút cho gà mềm. Đợi khi gà gần chín, rắc lá trúc xắt nhuyễn lên phía trên và khi hoàn thành thì dọn ra đĩa. Gà phải được chặt khúc hoặc xé nhỏ, rải đều lá trúc xắt nhuyễn lên thịt gà một lần nữa. Cùng với đó dọn đĩa bắp chuối bào, chén nước chấm muối ớt có pha nước vắt từ trái trúc.

Gắp miếng thịt gà chấm vào chén muối ớt vừa pha rồi nhai chầm chậm, cảm nhận vị ngọt dai của thịt, vị cay nồng của lá trúc, vị chua chua của nước trái trúc cùng vị cay của ớt tiêu. Mọi hương vị hòa quyện với nhau khiến bất cứ thực khách nào cũng phải xiêu lòng.

Mùi hương nồng nàn của lá trúc thẩm thấu qua từng thớ thịt gà, một hương vị đặc trưng vương vấn cổ họng, luôn đọng lại trong tâm trí du khách.

(Nguồn vnexpress)