21 Th7 Nơi người dân được uống nước tinh khiết nhất thế giới
Nước sinh hoạt của người dân ở Qikiqtarjuaq, Nunavut, Canada, được lấy từ chính những tảng băng trôi hình thành từ hàng nghìn năm trước và mắc lại tại đây.
Các núi băng trôi xuống từ eo biển Davis thường bị chặn lại ở phía bắc Vòng Bắc Cực tại Qikiqtarjuaq (tên cũ là Broughton) thuộc Nunavut, Canada. Đây cũng là nơi người dân địa phương được dùng nguồn nước tinh khiết nhất thế giới.
Trước khi chuyển tới Qikiqtarjuaq cùng gia đình vào năm 1980, Mary Killiktee chưa từng thấy nhiều băng trôi cùng lúc như vậy. Hiện nay, cô là nữ thị trưởng đầu tiên ở thị trấn nhỏ này và vẫn bị mê hoặc bởi vẻ đẹp tự nhiên nơi đây.
Chỉ hơn 500 người dân sống tại Qikiqtarjuaq, theo Killiktee mọi người đều quen biết nhau. Thị trấn nằm trên một hòn đảo nhỏ tên Qikiqtarjuaq (nghĩa là đảo lớn) ngay trên Vòng Bắc Cực. Đây là cộng đồng dân cư ở Nunavut gần nhất với Greenland, nằm tại cổng vào của Vườn quốc gia Auyuittuq.
Các núi băng trôi dừng ở phía nam của eo biển Davis, bị cản lại bởi mũi đất và các vùng nước nông. Chúng tạo nên phong cảnh và văn hóa nơi đây, cũng bảo tồn truyền thống, ngôn ngữ của con người bản địa và còn cung cấp nguồn nước tinh khiết nhất thế giới.
Khi trường học đóng cửa, hầu hết gia đình rời Qikiqtarjuaq và đến chỗ lều trại nằm cách thị trấn khoảng 2 – 3 giờ di chuyển bằng xe trượt tuyết. Vào mùa hè, khi băng mỏng hơn và không an toàn để đi lại, người dân sử dụng thuyền.
Cắm trại là một phần trong lối sống của người dân. Có một từ đặc biệt để chỉ hoạt động sống bên ngoài từ mùa xuân tới mùa hè là “upirngik”. “Tôi từng sống như thế với mẹ và các anh chị em. Điều đó giúp tôi hiểu thêm về vùng đất này”, Daisy Arnaquq chia sẻ.
Daisy và chồng là Billy có một lán nhỏ ở Kangiqtukulu. Nó được bố Daisy xây dựng và cặp vợ chồng thường dành thời gian ở đây cùng con cháu, đi săn và câu cá. Họ cũng chào đón các nhà leo núi, nhà thám hiểm hay du khách mạo hiểm tới đây để tham quan vườn quốc gia.
“Lối sống của người Inut đã thay đổi rất nhiều, chúng tôi chuyển từ những chiếc lều tuyết igloo sang dùng lò vi sóng trong khoảng 60 năm qua”, Peter Irniq, người lớn lên trong một lều tuyết và sống như thế tới năm 11 tuổi, cho biết.
Người Inut có ở khắp nơi từ Greenland, Alaska, Canada, tới Nga, và hàng nghìn người vẫn sống sót trong thời tiết khắc nghiệt lúc nào cũng như mùa đông ở vùng cực. Tuy nhiên họ sống như thế bằng cách nào? Irniq trả lời:
“Tôi luôn nói trong các khóa mình dạy rằng kể cả người Inuit và không phải Inuit, tổ tiên chúng ta có nhiều tình yêu thương và lòng trắc ẩn để sống tới hôm nay. Chúng tôi chia sẻ những gì mình có. Đó là cách tổ tiên chúng tôi sống hàng trăm nghìn năm trước. Vì thế mà văn hóa Inuit vẫn luôn giúp con người tồn tại”.
Ở Qikiqtarjuaq, hầu như mọi người đều nói tiếng Inuktitut, tiếng Anh không được sử dụng nhiều như các cộng đồng dân cư lớn khác tại Nunavut. Inuktitut không phải một ngôn ngữ mà gồm 26 thổ ngữ khác nhau chỉ riêng trong Nunavut. Các thổ ngữ phát triển khi người Inuit sống trong các lán trại xa xôi, cách biệt từ 50 năm trước. Mới đây, tiếng của người Inuit mới bắt đầu hòa nhập thành một thổ ngữ để có thể phổ biến rộng hơn.
Các tảng băng trôi quanh Nunavut hình thành từ hàng nghìn năm qua. Khi tuyết rơi xuống dần kết lại rắn chắc qua thời gian tạo nên những dải băng trong suốt như pha lê, từ đó mà các tảng băng ra đời. Do các dòng chảy mạnh mà nhiều tảng băng từ nơi khác của vùng cực trôi về Nunavut, và nơi đây được mệnh danh là “vùng đất của băng trôi”.
Nước từ băng rất trong suốt, lại được hình thành từ hàng nghìn năm trước nên rất ít vi khuẩn có thể sinh trưởng, theo Derek Mueller, nhà khoa học thuộc Đại học Carleton, Canada. Nước băng thiếu một số khoáng chất mà nước chảy ngầm dưới mặt đất thường có, nên nó càng tinh khiết hơn. Và người dân Qikiqtarjuaq lại lấy nước trực tiếp từ băng trôi.
“Đó là cách sống của chúng tôi, là một phần văn hóa. Các gia đình sống quanh băng trôi có thể lấy nước từ đó. Chúng tôi tôn trọng truyền thống và vẫn tiếp tục sống như thế. Chặt băng và làm băng tan để lấy nước”, Killiktee cho biết.
Khi đời sống hiện đại phát triển nhiều người Inuit cao tuổi lo lắng cách sống truyền thống của họ sẽ dần mai một. Tuy nhiên, có nhiều người Inuit vẫn đang cố gắng gìn giữ tiếng nói của họ. “Khi chúng tôi tới trường học khoảng thập niên 1950 – 1960, chúng tôi không được phép nói tiếng Inuktitut. Giáo viên, hệ thống giáo dục và chính quyền Canada đều bắt buộc phải học nói, viết bằng tiếng Anh. Nhưng chúng tôi vẫn giữ tiếng của mình khi giao tiếp trong cộng đồng”, Irniq cho hay.
Ảnh: Qajaaq Ellsworth
Hương Chi
(theo VNE)