13 Th9 Trung thu ở những quốc gia khác như thế nào?
Trung thu ở những quốc gia khác như thế nào?
Cùng diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch giống Việt Nam nhưng Trung thu ở mỗi nước lại mang màu sắc khác nhau. Hãy cùng Vietgreentour điểm qua trung thu ở những quốc gia khác sẽ mang màu sắc như thế nào nhé.
Trung Quốc: Đây là một trong những quốc gia đón Trung thu lớn nhất thế giới với nhiều sự tích, truyền thuyết được lưu truyền. Lễ hội được cho là bắt đầu từ thời Đường Huyền Tông vào đầu thế kỷ thứ 8. Vào dịp này, cả gia đình sẽ sum vầy bên mâm cỗ cúng trăng. Hai loại bánh không thể thiếu là bánh nướng và bánh dẻo. Đêm rằm tháng 8 người Trung Quốc thường treo đèn lồng trước cửa, thả hoa đăng và thắp đèn Khổng Minh lên trời để cầu may mắn. Trẻ em cũng có lễ rước đèn, múa lân sư rồng. Ảnh: Michael Coyne. |
Nhật Bản: Tết Trung thu gia nhập vào Nhật Bản từ hơn 1.000 năm trước. Otsukimi là lễ hội tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, cũng là thời điểm trăng tròn nhất. Lễ hội diễn ra vào 15/8 Âm lịch, tức tháng 9 hoặc 10 hàng năm. Vào ngày lễ, người dân sẽ bày một mâm bánh lớn trước nhà, cùng trò chuyện, ăn uống. Nhiều không gian công cộng cũng tổ chức ngắm trăng để mọi người cùng tham gia. Món ăn đặc trưng trong ngày Trung thu là bánh gạo nếp – Tsukimi Dango. Trẻ em thường rước đèn lồng cá chép trong lễ hội. Ảnh: Crowcollection. |
Singapore: Tết Trung thu là một trong những lễ hội lớn ở đảo quốc sư tử. Du khách đến khi Chinatown sẽ thấy những con đường được giăng kín đèn lồng rực rỡ sắc màu. Năm nay lễ hội sẽ kéo dài từ 31/8 đến 28/9 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Nghi thức thắp sáng đường phố, bắn pháo hoa, rước đèn Trung thu, múa lân và biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra khu phố Hoa còn có hơn 200 quầy với đa dạng mặt hàng như bánh Trung thu, bưởi, đèn lồng, đồ thủ công mỹ nghệ, trà… Ảnh: Gardensbythebay. |
Hàn Quốc: Lễ rằm tháng 8 ở Hàn Quốc được gọi là Chuseok, kéo dài trong 3 ngày. Đây là thời gian đoàn tụ gia đình. Nghi thức quan trọng nhất trong lễ Chuseok là Beolcho và Seongmyo. Việc này giống như lễ Thanh minh ở Việt Nam để tưởng nhớ về công ơn của ông bà, tổ tiên. Ngoài các thực phẩm thu hoạch được từ vụ mùa, ẩm thực trong tết Chuseok còn có bánh Songpyeon màu sắc hình bán nguyệt, canh khoai sọ và rượu Baekju. Trong ba ngày lễ cũng diễn ra nhiều hoạt động cộng đồng và trò chơi truyền thống. Ảnh: Seoulbeats. |
Thái Lan: “Lễ cầu trăng” ở Thái Lan cũng được tổ chức vào đúng 15/8 Âm lịch. Vào đêm Trung thu, mọi người cùng quây quần bên bàn thờ Quan Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cúng trăng, cầu nguyện những điều tốt đẹp. Trái cây không thể thiếu trong mâm cúng của người Thái là đào. Do quan niệm truyền thống, hầu hết bánh Trung thu cũng có hình dáng trái đào. Ảnh: Asiatrend. |
Philippines: Tết Trung thu ở Philippines bắt nguồn từ những người gốc Hoa đến đây sinh sống và làm việc. Lễ hội sẽ kéo dài trong vòng hai ngày. Đèn lồng đỏ, băng rôn được treo khắp các cửa hàng và con phố khu Chinatown. Ngoài múa lân, rước đèn, ở đây còn có những chiếc xe hoa diễu hành trong trang phục truyền thống của người Hoa. Bánh Trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia với nhiều phiên bản khác nhau. Ảnh: Dawnmcclary. |
Malaysia: Tương tự nhiều quốc gia châu Á, người Malaysia cũng làm bánh Trung thu, thắp đèn lồng vào ngày rằm tháng 8. Ba hoạt động không thể thiếu trong dịp này là ngắm trăng, ăn bánh và rước đèn. Người Malaysia sẽ rước đèn lồng cùng đoàn múa lân dọc các con phố khiến không khí của ngày lễ trở nên sôi động. Ngoài hình tròn truyền thống, bánh Trung thu ở đây còn được sáng tạo theo nhiều hình dáng bắt mắt. Ảnh: News.cn. |